charset ?>">
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 80km, Tam Đảo trở thành địa điểm lý tưởng cho các bạn du xuân trong dịp Tết này. Bên cạnh nét đẹp trữ tình Tam Đảo còn có nét đẹp tâm linh với những đền chùa cổ kính, ẩn chứa những dấu ấn lịch sử.
Rời trung tâm thị trấn Tam Đảo, đi 1 đoạn ngoằn ngoèo qua con dốc ven sườn núi rợp bóng cây rừng, thi thoảng có làn mây lướt qua, đẹp nhất là lối đi lót đá xanh uốn khúc dẫn lên 1 ngôi đền. Leo hết 300 bậc đá thoải được che mát bởi những hàng trúc xanh mượt là chúng ta đã tiếp cận được 1 phần thế giới tâm linh đó là Đền Chúa – ngôi đền trầm mặc với khí thiêng núi rừng.
Giống đặc trưng của những ngôi chùa linh thiêng ở miền Bắc, Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn gắn liền với núi cao, linh thiêng. Đền Chúa thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – con gái đầu lòng của Quốc Mẫu Âu Cơ với thiết kế khá độc đáo, bên trong nguy nga, đồ sộ; bên ngoài đền có treo bảng sơn nền đỏ chạm 4 chữ vàng. Đền Chúa nổi tiếng linh thiêng nhất thị trấn Tam Đảo thu hút rất nhiều khách thập phương đến lễ bái. Đặc biệt là những ngày mùng 1, ngày rằm, Đền Chúa đều có hầu đồng. Trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng phách hối hả rền vang của phường chầu văn là giọng hát qua máy vi âm bổng trầm như lời kể lể thê thiết lê thê của các bà, các cô đồng xinh đẹp áo quần lộng lẫy biểu diễn những màn khua hương, múa hoa, múa kiếm, cưỡi ngựa… rất điêu nghệ và điêu luyện.
Từ thị trấn Tam Đảo xuống chân núi khoảng 2km là đến Đền Trần – di tích lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc. Ẩn mình trong những cánh rừng thông tĩnh lặng, Đền Trần thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng vào thế kỷ 15.
Trong hệ thống tâm linh của Tam Đảo còn có chùa Vàng. Từ Đền Chúa qua Đền Quốc Mẫu Vua Bà, phía sau là khoảng sân rộng, nơi trang trọng đặt rất nhiều pho tượng Phật bằng đá trắng. Mỗi vị đứng hoặc tọa thiền trong 1 tư thế khác nhau tạo cảm giác ở chốn bồng lai, tiên cảnh. Vị vui vẻ hiền từ, vị trầm tư… Nối tiếp là 121 bậc đá xanh cùng 2 hàng tay vịn bằng đá xanh chạm khắc hoa văn đẹp mắt dẫn lên chùa Vàng. 4 góc chùa là 4 mái hình đao cong vút, được xây mới vào năm 2010. Đây là 1 ngôi chùa tận dụng ưu thế đá núi có sẵn của địa phương trong 1 số công trình. Chùa còn sử dụng gỗ lim, gỗ đinh làm cửa, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đáng chú ý là pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng hàng tấn dát vàng, tĩnh tọa trên đài sen bằng bạc. Do khúc xạ ánh sáng nên khách hành hương thấy tượng Phật lúc màu vàng, khi màu tím, rồi màu xanh thẫm… tùy theo vị trí đứng.
Tam Đảo tĩnh lặng với những đền chùa trầm mặc tạo không khí linh thiêng, nơi dưỡng tâm của du khách. Ngoài giá trị tâm linh, các ngôi đền, chùa ở Tam Đảo còn thể hiện lòng thành kính biết ơn những bậc khai sáng đất nước, anh hùng dân tộc 1 cách trân trọng.