charset ?>">
Khu di tích Đền Trần Nam Định thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Vào dịp giữa thu, từ ngày 15-20 tháng 8 âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra hội Đền Trần để tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, hội mà chúng ta vẫn thường hay nghe trong câu “tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Trước đó, vào dịp đầu xuân năm mới, những con dân nước Việt từ khắp bốn phương lại nô nức tụ hội về đây dự lễ khai ấn Đền Trần, để tri ân công đức các vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.
Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ năm 1239 dưới thời vua Trần Thái Tông (vị vua đầu tiên của vương triều Trần) trị vì. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống quân Nguyên Mông sau đó, lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải qua bao thế kỉ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là: “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.
Vương triều Trần được biết đến là vương triều nổi tiếng thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam không chỉ bởi có các vị hiền minh trị vì đất nước, mà còn bởi những chiến công hiển hách vang dội đó là 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hung tợn xâm lược. Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, Tổ tiên, phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này, trên nền phủ Thiên Trường, nhân dân đã xây dựng khu di tích Đền Trần để thờ 12 vị vua Trần, Đức Thánh Trần cùng các vị quan văn võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc cho thế hệ sau.
Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần “tích phúc vô cương”; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt. Trải qua nhiều năm, lễ khai ấn vẫn được người dân duy trì và phát triển trở thành một trong những tập tục đẹp, một nét văn hóa đẹp trong những ngày đầu năm mới của người việt được gìn giữ lâu đời.
Trước khi lễ khai ấn được tổ chức, vào ngày mùng 2 tháng Giêng, ban quản lí khu di tích Đền Trần thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ lễ khai ấn. Nội dung lá ấn bao gồm các chữ: “Trần triều điển cố - Tích phúc vô cương” (có nghĩa là theo tích cũ của triều Trần, ban phúc vô bờ cho dân chúng). Đến 22h ngày 14 tháng Giêng, lễ khai ấn được bắt đầu với nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Lễ khai ấn được thực hiện vào đúng giờ Tý bởi 14 vị cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng), sau đó, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài phát lộc.
Ngoài xin ấn, du khách còn được tham gia phần hội với nhiều hoạt động độc đáo như: chọi gà, diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn…
Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước sân đền Thiên Trường luôn phấp phới lá cờ truyền thống với 5 màu đặc trưng cho ngũ hành cùng hình vuông biểu tượng cho đất (âm) và rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng cho trời (dương). Chính giữa lá cờ thêu chữ “Trần” được ghép lại bởi hai chữ “Đông” và “A”.
Không phải ai xin được ấn Đền Trần cũng sẽ giàu sang, phát tài phát lộc. Bản chất của bốn chữ “tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng nhiều thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa sâu sắc nhất của việc ban ấn.
Lễ khai ấn Đền Trần là một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục thế hệ truyền thống yêu nước và đạo lí uống nước nhớ nguồn, đồng thời cũng là niềm tự hào của người dân Nam Định nói riêng và người dân Việt Nam nói chung từ bao đời nay.
Đến Nam Định xin ấn Đền Trần đầu năm, du khách có thể kết hợp hành hương, vãn cảnh những địa danh nổi bật khác của Thành Nam như Phủ Dày, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện,…
Khi đăng ký tour du lịch lễ hội của Du lịch Sức Sống Việt, bạn sẽ được tặng ngay một voucher tư vấn phong thủy do chuyên gia phong thủy hàng đầu Việt Nam tư vấn.