charset ?>">
  • Hotline & support
  • 093 795 2662

Đền Mẫu Âu Cơ tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đây là 1 công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc gắn liền với hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con cháu lạc hồng trong bọc trăm trứng.

Tục truyền rằng, ngày nàng Âu Cơ chào đời có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát. Lớn lên nàng thông minh xinh đẹp hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo lại tinh thông âm luật. Về sau kết duyên với Lạc Long Quân – con trai của Kinh Dương Vương, nàng đã hạ sinh 1 bọc trăm trứng nở ra 100 người con. Khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân đã nới với Âu Cơ rằng Người là giống Rồng còn nàng là giống Tiên nên thật khó để chung hợp vì dòng giống bất đồng. Nói xong Lạc Long Quân đã dẫn 50 người con xuống biển. Âu Cơ thì đã đưa 50 người con còn lại lên non. Một hôm khi đi qua vùng đất Hiền Lương thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao, đồng rộng, sông dài, hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào nên nàng liền cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã ổn định, Mẹ Âu Cơ lại tiếp tục cùng các con lên đường đi đến vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu vè 1 mối, bờ cõi biên cương được mở rộng Mẹ lại trở về Hiền Lương gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, Mẹ Âu Cơ đã cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Tại đó, nhân dân trong vùng đã dựng lên Đền Mẫu Âu Cơ, đời đời tưởng nhớ công đức Mẹ Âu Cơ. Trong 50 người con theo Mẹ Âu Cơ, người con đầu lên nối ngôi vua lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước, trở thành tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã 3 lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Năm 1991, đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ phủ tán xum xuê, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Tuy không đồ sộ nhưng Đền Mẫu Âu Cơ có giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc. Đền gồm năm gian mái lợp ngói mũi hài cổ kính. Bên trong là pho tượng Quốc Mẫu Âu Cơ đặt trên ngai vị, 2 tay đặt lên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, dáng vẻ hiền hậu và thanh tú. Toàn bộ tượng và ngai được đặt trong 1 khảm cao xung quanh chạm trổ tùng, cúc, mai và rồng chầu mặt nguyệt. Ngoài ra, các phần kiến trúc bằng gỗ trong Đền Mẫu Âu Cơ đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh tế…

Lễ chính Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm và kéo dài trong 3 ngày liên tiếp. Trong dịp lễ hội trước sân đền và tại đình làng có nhiều trò chơi dân gian địa phương như cướp cờ, hát xoan… đặc biệt có tục làm bánh vôi từ bột gạo nếp và nước mía là đặc sản nổi tiếng của vùng Hạ Hòa. Đền Mẫu Âu Cơ là 1 di tích lịch sử văn hóa lâu đời, 1 di sản quý báu của cả nước có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho lớp lớp con cháu muôn đời. Chính vì thế những ngày đầu năm đến Tổ Mẫu Âu Cơ đã trở thành tập quán, nét đẹp văn hóa của các thế hệ người Việt Nam. Đến Tổ Mẫu Âu Cơ vào dịp này cũng như đến thăm đền của các vị vua Hùng vào dịp giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 hàng năm chính là sự biết ơn tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc. Đó cũng là nguồn sức mạnh để đồng bào ta quyết tâm đoàn kết bảo vệ đất nước của tổ tiên để lại, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn bảo tồn và tiếp tục phát huy hơn nữa những nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Chat với chúng tôi