charset ?>">
Là 1 trong Tứ Trấn Thăng Long của Hà Nội xưa, đền Quán Thánh không chỉ là điểm đến tôn giáo linh thiêng mà còn là di tích mang giá trị cao về mặt lịch sử, kiến trúc và văn hóa.
Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Quốc vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - 1 vị thần trấn giữ hướng Bắc của Thăng Long xưa, người đã có công rất lớn đối với sự hình thành và phát triển nước Đại Việt. Đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và là 1 trong những di tích mang đậm dấu ấn đạo giáo ở Việt Nam nhất. Đây còn là nơi tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc. Tượng Trấn Vũ được coi là 1 công trình nghệ thuật độc đáo duy nhất tại Việt Nam. Trước kia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được làm bằng gỗ, đến năm 1677 được đúc lại bằng đồng đen. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với 2 bàn chân để trần, tay trái bắt quyết, tay phải cầm gương có rắn quấn chống lên lưng rùa. Với những nét tạc tinh xảo, điệu nghệ, pho tượng là công trình nghệ thuật phản ánh kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật tạc tượng điêu luyện của ông cha ta thế kỷ 17. Theo sử sách ở đền thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi ngoại xâm. Huyền Thiên Trấn Vũ đã giúp dân thành Thăng Long trừ tà ma và yêu quái, giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời Lý Thánh Tông… Tại nhà bái đường còn có 1 pho tượng nhỏ hơn cũng bằng đồng đen. Nhiều người cho rằng đây là tượng ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Trấn Vũ. Các học trò của ông đã đúc để ghi nhớ công ơn của thầy. Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh do đô đóc Lê Văn Ngữ quyên tiền để đúc thành. Ngoài nghệ thuật đúc đồng, đền Quán Thánh còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ hoành phi câu đối viết bằng chữ Hán. Tác giả của các bài thơ này là những người đạt khoa bảng cao, trong đó có cả thơ của vua Minh Mạng. Ngoài ra, đền còn nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo và độc đáo mang đậm phong cách nhà Lê. Nội thất bên trong đền tạo ấn tượng sâu sắc bởi những bức tranh chạm khắc tiêu biểu cho nét đặc trưng mỹ thuật Đạo giáo.
Không chỉ là 1 công trình có giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc, đền Quán Thánh còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng của người dân Hà Nội xưa và nay. Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. du khách phương xa nên đến Du lịch Hà Nội vào những ngày Tết để được tham gia vào các hoạt động lễ hội của đền như giáng bút, cầu mộng, cầu an… Song hành cùng lịch sử, ngôi đền đã in dấu bao năm tháng thời gian và toát lên 1 vẻ đẹp cổ kính, rất xưa, rất Hà Nội.